Cuộc sống người khuyết tật dễ thở hơn với công nghệ này
Với người khuyết tật, công nghệ ngày càng trở nên ý nghĩa khi giúp họ giải quyết được những khó khăn trong học tập, lao động và sinh hoạt hằng ngày.
- Chính sách khám chữa bệnh cho người có công, người khuyết tật
- Phạt rạp phim không giảm giá cho người có công, người khuyết tật
- Lãnh đạo Hiệp hội VAIDE tặng quà Tết cho trẻ em khuyết tật
Tuyển thủ bơi lội người Australia, Jessica Smith có thể cầm cốc nước nhờ công nghệ bàn tay Nexus.
Các công ty công nghệ đã cho thấy công dụng của trí tuệ nhân tạo trong việc cải thiện cuộc sống của người khuyết tật, thông qua việc cung cấp các công cụ giao tiếp tiện lợi, sử dụng trí tuệ nhiều hơn, hay các công cụ hỗ trợ vận động, hỗ trợ phục hồi chức năng. Nhờ những công nghệ hiện đại mà người khuyết tật ngày một cải thiện đời sống tinh thần và thể chất của mình và tự tin hòa nhập với cuộc sống.
Kính thông minh hỗ trợ người khiếm thính
Kính thông minh tích hợp trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo mang tên Alexa cung cấp cho những người khiếm thính hoặc bị nặng tai một màn hình hiển thị trực tiếp nội dung cuộc trò chuyện với phụ đề ở thời gian thực, ngay trước mắt họ. Người dùng có thể tua lại để đọc lại. XRAI Glass cho phép người dùng kết nối kính thông minh trực tiếp với điện thoại của họ. Phần mềm hiện được xây dựng để làm việc với kính thông minh Nreal Air, hoạt động như một cổng vào nội dung thực tế tăng cường (AR). Nhờ đó, thiết bị có thể chuyển nội dung trò chuyện thành văn bản và hiển thị chúng trên kính, cho phép người khiếm thính đọc được những gì người khác đang nói.
Công nghệ giúp ích cho người dùng tay giả
Tuyển thủ bơi lội người Australia, Jessica Smith sinh ra đã không có bàn tay trái. Bố mẹ chị được khuyên lắp tay giả cho con để hỗ trợ cho quá trình phát triển, song lúc nhỏ, thiết bị đã khiến chị vô tình làm rơi ấm nước đang sôi và bị bỏng 15% cơ thể. Tai nạn này đã để lại cú sốc tâm lý cho chị.
Mọi thứ đã thay đổi khi công ty Covvi có trụ sở tại Leeds, phía Bắc vùng England (Anh) đề nghị chị Jessica thử bàn tay Nexus, bàn tay mô phỏng sinh học có thể chuyển xung lực điện từ bắp tay thành cử động với sự hỗ trợ của động cơ trong tay giả, cho phép người dùng cầm cốc, mở cửa hay nhặt quả trứng. Mặc dù đối với chị Jessica, việc lắp đặt thiết bị ban đầu là một thử thách về mặt cảm xúc, song chị đã vượt qua và ở tuổi 37, sau thời gian trải nghiệm, chị Jessica khẳng định bàn tay Nexus đã giúp chị thực hiện những động tác mới.
Chân ROBOT giúp phục hồi bệnh nhân bị đột quỵ
Đối với các bệnh nhân đột quỵ, việc khôi phục và cải thiện khả năng vận động là vấn đề then chốt trong quá trình vật lý trị liệu. Mới đây, một dự án nghiên cứu hợp tác giữa 3 trường đại học của Anh là Đại học Portsmouth, Đại học Winchester và Hobbs Rehabilitation đã được áp dụng cho các bệnh nhân sau đột quỵ. Theo đó, việc sử dụng chân robot tại nhà cùng với vật lý trị liệu truyền thống cho thấy sự cải thiện đáng kể về tốc độ phục hồi khả năng vận động của bệnh nhân đột quỵ. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Clinical Rehabilitation.
Chương trình can thiệp kéo dài 10 tuần được áp dụng đối với bệnh nhân bằng cách sử dụng một thiết bị robot hỗ trợ di chuyển, còn được gọi là chân Bionic. Bệnh nhân được gắn một chân robot có dây đeo của AlterG và được hướng dẫn sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Bệnh nhân được đánh giá bằng hệ thống camera 3D kỹ thuật số trước và sau khi dùng thử để xác định sự tiến triển trong điều trị. Sau 10 tuần với một chiếc chân Bionic có dây đeo tại nhà, 34 bệnh nhân đột quỵ đi lại khó khăn đã có thể đi xa hơn, nhanh hơn.