Hơn 1,1 triệu người khuyết tật được hưởng trợ cấp hằng tháng

Theo báo Quân đội Nhân dân, hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Số liệu trên cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết thêm, hiện số người khuyết tật được tiếp cận các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Đến nay đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người. Số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng hơn 1,1 triệu người. Cả nước đã thành lập được 20 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường.

Giáo dục nghề nghiệp, phổ biến pháp luật và tạo việc làm cũng đặc biệt được quan tâm, trong giai đoạn 2012-2022, bình quân mỗi năm có từ 17.000 đến 20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Cả nước có 63 trung tâm dịch vụ việc làm, bình quân mỗi năm các trung tâm đã tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%…

Nâng cao nhận thức về chính sách pháp luật cho người khuyết tật (Ảnh minh họa).

Chia sẻ với báo Lao động Thủ đô, chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai Phạm Quang Khoát cho biết, Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai hiện có hơn 300 hội viên. Hội đã và đang phối hợp với các tổ chức đoàn thể tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, an sinh xã hội của quận cũng như đóng góp ý kiến trong nhiều văn bản liên quan đến người khuyết tật.

Bên cạnh đó, Hội cũng đã chủ động sáng tạo, tập trung tổ chức nhiều hoạt động như: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, kế hoạch hỗ trợ người khuyết tật của Nhà nước, Thành phố và của quận Hoàng Mai tới người khuyết tật; vận động và tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện Luật Người khuyết tật; nâng cao năng lực cho cán bộ Hội. Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn, trau dồi kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm trợ giúp pháp lý cho hội viên. Từ đó, giúp họ vượt lên khó khăn, mặc cảm, nỗ lực học tập, lao động, hoà nhập cộng đồng.

Theo chuyên trang Pháp luật và Xã Hội, trong những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người khuyết tật luôn được Hội Người mù Thành phố Hà Nội quan tâm.

Ngoài ra, Hội còn thường xuyên tổ chức các chương trình, hội nghị tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn. Qua đó, giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong khuôn khổ chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho người khuyết tật, các luật sư được mời tới chia sẻ cũng đã giải đáp nhiều câu hỏi cho cán bộ, hội viên của Hội. Đồng thời, chia sẻ và nâng cao kỹ năng cho người khuyết tật khi xử lý các tình huống vướng mắc tới pháp luật. Dành sự quan tâm đặc biệt tới cộng đồng người khuyết tật, nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân nói chung và cộng đồng những người khuyết tật nói riêng.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Những lớp học chắp cánh ước mơ cho người khuyết tật

Trao việc làm, tạo niềm tin

Theo báo Quân đội Nhân dân, lớp học vẽ ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hồ Chí Minh (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) của họa sĩ Nguyễn Hoàng có 15 học viên đều là người khuyết tật. Cũng vì vậy mà công việc của anh vất vả hơn nhiều, bởi dạy vẽ cho người bình thường đã khó, dạy vẽ cho người khuyết tật còn khó hơn vô vàn.

Những ánh mắt ngơ ngác, những đôi tay tật nguyền lóng ngóng, những gương mặt đủ sắc màu biểu cảm… trước giờ vào lớp, bỗng thay đổi hoàn toàn khi thầy Hoàng bắt đầu giờ giảng. Dường như các em cảm nhận được tấm lòng nhân ái, sự quan tâm, đồng cảm của thầy trước nỗi bất hạnh của mỗi phận đời nên tất cả học trò đều rất chăm chú lắng nghe, tích cực học tập để không phụ công lao thầy dạy dỗ.

Không chỉ dạy nghề, anh Nguyễn Văn Hoàng còn truyền cảm hứng và dạy các em đạo đức làm người; thân tình, thấu hiểu như một người cha, người chú thương yêu các em vô bờ bến. Đến nay, nhiều học trò trong lớp học vẽ của thầy Hoàng đã ra ngoài tự lập, có việc làm ổn định, sống được với nghề và có đóng góp nhất định cho gia đình và cộng đồng xã hội.

Chắp cánh ước mơ cho người khuyết tật bay cao, bay xa (ảnh minh họa).

Vực dậy niềm vui sống

Chia sẻ với báo Hà Nội mới, chị Lê Nguyễn Thùy An nhấn mạnh, “Là người khuyết tật từ miền Trung tới Hà Nội, tôi may mắn được anh Lê Việt Cường tạo điều kiện vào làm việc tại Vụn Art. Hiện nay, thu nhập của tôi khá ổn. Tôi muốn được gắn bó lâu dài với cơ sở, bởi nơi này không chỉ mang lại thu nhập mà còn là nơi tôi được sinh hoạt, giao lưu với những người cùng cảnh ngộ”.

Với mong muốn tập hợp, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông đã sáng lập Vụn Art (một tổ chức chuyên làm các sản phẩm thủ công từ vải vụn) từ năm 2017.

Hiện nay, Vụn Art có 21 nhân công, trong đó có 18 người khuyết tật. Ngoài mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, Vụn Art đóng 100% tiền bảo hiểm xã hội, thuê nhà ở cho người khuyết tật. “Việc đào tạo không chỉ là dạy nghề, mà còn là một liệu pháp giúp người khuyết tật phục hồi thương tổn, đặc biệt là những tổn thương về tinh thần. Sự thay đổi thấy rõ đó chính là món quà mà gia đình người khuyết tật nhận được. Giờ đây họ tự tin hơn, lạc quan hơn, không còn nhút nhát mặc cảm nữa. Mang lại niềm vui sống cho họ, đó mới chính là thành tựu thật sự của chúng tôi, thành tựu nhân văn, hướng đến con người.” – Anh Cường chia sẻ.

Cũng vì mục tiêu lan tỏa hơn nữa tinh thần nhân văn ấy mà những năm qua, Vụn Art đã trở thành một trong những mô hình kinh tế tập thể có thương hiệu ở Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo gắn liền với tạo việc làm cho người khuyết tật, thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về khả năng lao động, sáng tạo của người khuyết tật.

Chắp cánh ước mơ bay cao, bay xa cho người khuyết tật

Theo Đời sống và Pháp luật, “thầy giáo xe lăn” Nguyễn Ngọc Lâm đã mở lớp học dạy tin học và kỹ năng sống cho những người khuyết tật, có số phận kém may mắn.

Từ một người khuyết tật với tổn thương 97%, anh Nguyễn Ngọc Lâm, 35 tuổi, quê ở Thanh Hóa không đầu hàng số phận. Anh đã mạnh mẽ vượt lên trên sự đau đớn và khiếm khuyết trên cơ thể của mình để theo học tại Trung tâm bảo trợ “Làng may mắn” và trở thành thầy giáo với tên gọi thân thương được mọi người thường gọi là “thầy giáo xe lăn”.

Bằng trái tim nhân hậu, anh Lâm hằng ngày tới lớp, truyền tình yêu thương, truyền đạt kiến thức và nghị lực sống kiên cường tới các em học sinh. Ngoài giờ giảng dạy trên lớp, thứ bảy hàng tuần, anh Lâm mở thêm một lớp học về kỹ năng sống miễn phí tại trung tâm.

Mỗi em ở đây có một số phận, một hoàn cảnh đáng thương, em thì có gia cảnh nghèo khó, em thì bị câm điếc bẩm sinh, em thì bị khuyết tật… Những bài giảng của anh thường giáo dục các em về tình yêu gia đình, quê hương và đất nước. Giáo dục các em những đức tính tốt mà con người cần hướng tới như: nhân, lễ, nghĩa, chí, tín.

Bên cạnh đó, anh Lâm còn sẻ chia về kinh nghiệm sống, kỹ năng sống trong cuộc đời. Những đứa trẻ thiệt thòi về vật chất, về sức khỏe nhưng bù lại có một người thầy tuyệt vời, luôn yêu thương, quan tâm, giúp đỡ các em.

Tại “Làng may mắn”, những đứa trẻ khuyết tật, thiếu may mắn hồn nhiên đã quen thuộc với hình ảnh “thầy giáo xe lăn” Ngọc Lâm trên bục giảng truyền đạt tri thức và nghị lực sống mãnh liệt. Nhờ những bài giảng về kỹ năng tin học và kỹ năng sống của anh Lâm mà các em học sinh ở đây có thể tự tin đi ra ngoài để tìm việc làm phù hợp với bản thân. Từ đó, giúp các em có thể hiện thực hóa ước mơ của mình, ổn định kinh tế, tự tin thu hẹp khoảng cách giữa những người khuyết tật với xã hội và hòa nhập cộng đồng.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *