Hải Phòng phấn đấu 100% học sinh tham gia Bảo hiểm y tế năm học 2024-2025

Theo Văn bản số 1776/UBND-VX, Bảo hiểm xã hội TP.Hải Phòng có nhiệm vụ hướng dẫn triển khai thực hiện BHYT đối với HSSV ngay trong năm học mới; phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo thống kê số lượng HSSV của từng trường, đồng thời tiến hành các công tác tuyên truyền, vận động, để HSSV và phụ huynh hiểu đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT; chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện; …

Hải Phòng phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024 – 2025

Sở Giáo dục&Đào tạo TP.Hải Phòng coi việc tham BHYT cho HSSV là một tiêu chí đánh giá, khen thưởng hoàn thành nhiệm vụ năm học; quán triệt nghiêm túc tới phòng Giáo dục&Đào tạo các quận, huyện, các cơ sở giáo dục phân loại HSSV đã có thẻ BHYT ở nhóm từng nhóm (người nghèo, cận nghèo, thân nhân quân đội, công an….); hàng năm, cung cấp số liệu cho cơ quan BHXH để có cơ sở vận động, đôn đốc thu nộp đầy đủ, tránh bỏ sót đối tượng tham gia.

UBND TP.Hải Phòng giao sở Lao động,Thương binh&Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường dạy nghề thuộc phạm vi quản lý để tổ chức phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT đối với HSSV; phối hợp với cơ quan BHXH tuyên truyền, phổ biến tới HSSV về việc thực hiện tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100%.

Ngành Y tế tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh BHYT; nâng cao tinh thần, trách nhiệm và thái độ phục vụ; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm đầy đủ quyền lợi, chế độ BHYT theo quy định cho HSSV có thẻ BHYT; phối hợp các ngành củng cố hệ thống y tế trường học, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. 

Sở Tài chính thực hiện nhiệm vụ theo quy định về phân cấp ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT cho HSSV; bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn ngân sách để đóng, hỗ trợ đóng BHYT; chỉ đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch các quận, huyện chuyển kịp thời kinh phí đóng, hỗ trợ đóng tham gia BHYT cho cơ quan BHXH theo quy định. 

Thành đoàn Hải Phòng đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động đoàn viên, đội viên tham gia BHYT, nhất là đối với HSSV tại các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; đưa tiêu chí tham gia BHYT HSSV làm cơ sở đánh giá kết quả hoạt động công tác đoàn, hội và phong trào thanh niên hàng năm. 

Dựa vào công tác thực hiện BHYT đối với HSSV, Ban Thi đua khen thưởng thành phố Hải Phòng xem đây chính là  một trong những tiêu chí xét khen thưởng cho các cơ sở giáo dục; không xem xét khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục chưa đạt tỷ lệ HSSV tham gia BHYT. 

Cũng theo văn bản này, TP.Hải Phòng yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo, đôn đốc Phòng Giáo dục&Đào tạo, các cơ sở giáo dục thống kê chính xác số lượng HSSV thuộc diện tham gia BHYT, HSSV đã có thẻ BHYT ở đối tượng khác; cung cấp số liệu  để có cơ sở đôn đốc thu nộp đầy đủ; thường xuyên đôn đốc các cơ sở giáo dục trên địa bàn chưa đảm bảo tỷ lệ HSSV tham gia BHYT; không bình xét, khen thưởng, đề xuất khen thưởng cơ sở, đơn vị chưa hoàn thành tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố (các trường phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học, dạy nghề…) có trách nhiệm phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT đến 100% HSSV ngay từ đầu năm học; vận động 100% HSSV tham gia BHYT; đối với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, dạy nghề… chú ý đẩy mạnh việc thực hiện BHYT cho HSSV năm thứ 2 trở đi. 

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố năm học 2023 – 2024, Hải Phòng có 491/491 trường (gần 450.000 học sinh)  tham gia BHYT.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

VĐV khuyết tật bơi 21 km ngoài biển gây quỹ giúp bạn thân chữa bệnh

Năm 2019, Quảng Công Huân Tước (35 tuổi, ở Ninh Thuận) bị tai nạn chấn thương sọ não. Cùng lúc, anh phát hiện bị suy thận, không thể trở lại công việc cũ, sống phụ thuộc vào các anh chị em, trong khi ba mẹ đã qua đời.

Bơi vì bạn

Thoại và Tước học chung với nhau từ mẫu giáo lên cấp 2. Trước khi gặp biến cố, Tước từng có công việc ổn định tại ngân hàng còn Thoại rời quê vào TP.HCM, trở thành giáo viên dạy lịch sử rồi bén duyên với bơi lội, trở thành VĐV giành nhiều thành tích. Họ thường gặp lại nhau trong các dịp tết, lễ truyền thống của đồng bào Chăm ở quê nhà.

Dịp về thăm quê tháng trước, Thoại hay tin Tước đang nằm viện nên đến thăm. Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của bạn, Thoại ngỏ ý giúp Tước gây quỹ. “Tôi bất ngờ khi thấy bạn già đi so với độ tuổi 35. Nhìn vào mắt Tước, tôi thấy bạn vẫn còn nhiều mong ước, hoài bão muốn hoàn thành, muốn làm nhiều thứ nhưng sức khỏe không cho phép”, Thoại chia sẻ.

Thoại đến bệnh viện tặng phần quà của cộng đồng gửi đến Tước  (Ảnh: NVCC)

Nhân dịp chuẩn bị cùng một nhóm bạn trong cộng đồng yêu bơi lội khắp cả nước thực hiện thử thách bơi từ đất liền ra đảo Lý Sơn, Thoại xin phép trưởng nhóm được bơi gây quỹ giúp bạn. 4 giờ sáng 28.7, Thoại cùng 15 người bạn bắt đầu thực hiện thử thách. Khác với những lần chinh phục thử thách bơi biển trước, lần này Thoại không chỉ bơi để thể hiện khả năng của mình, mà anh bơi để giúp người bạn nối dài sự sống.

Ngày Thoại đến thăm và mang theo số tiền 130 triệu đồng cùng tình cảm của hàng trăm người gửi đến, Tước rất xúc động. Gương mặt tái nhợt của anh dường như tươi tắn hơn, nụ cười nhẹ nhàng xuất hiện trên môi. Tước cảm ơn Thoại và cộng đồng, anh cũng không quên quở: “Sao dạo này Thoại đen dữ vậy?”. Tước không biết trước ngày bơi gây quỹ cho anh, Thoại từng giành được 3 HCV, 3 HCB tại giải bơi Vô địch quốc gia Người khuyết tật năm 2024 tại Đà Nẵng.

Hành trình bơi của nhóm luôn có một chiếc thuyền đồng hành để đảm bảo an toàn  (Ảnh: NVCC)

“Tàn nhưng không phế, sống đời ý nghĩa”

Từng bơi dài trên biển nhiều lần, nhưng với Thoại, biển Lý Sơn vẫn là thử thách khó nhất. “Đây là lần đầu tiên tôi bơi từ đất liền ra đảo, vùng biển rộng lớn, sâu và nguy hiểm hơn những nơi khác. Khu vực này có dòng chảy phức tạp, thay đổi liên tục”, Thoại chia sẻ.

Nhưng đó chỉ mới là những khó khăn có thể lường trước. Bởi sau khi xuất phát được hơn 1 tiếng, thời tiết bất ngờ chuyển biến xấu hơn do ảnh hưởng của trận động đất ở Kon Tum. Đến gần trưa thì biển động, sóng lớn và có mưa, dòng chảy mạnh, thay đổi liên tục cuốn Thoại lệch hướng ra xa vài ki lô mét so với đường bơi đã tính toán.

Dù chân phải bị teo do bệnh, VĐV Hán Quang Thoại (bìa trái) là người bơi được số ki lô mét nhiều nhất trong thử thách (Ảnh: NVCC)

Các thành viên còn lại lần lượt bỏ cuộc, leo lên thuyền ở khoảng km thứ 10. Riêng Thoại, để đảm bảo an toàn cho bản thân, khi bơi được 18 km anh phải nhờ thuyền đưa đến một điểm cách đích 3 km để bơi tiếp vào bờ. Khoảng cách bơi từ đất liền ra đảo là 24 km, Thoại dự tính bơi trong 10 giờ nhưng vì thời tiết nên anh chỉ bơi được 21 km, trong 10 giờ 30 phút.

“Tôi tiếc vì chưa thể hoàn thành được mục tiêu bơi 24 km nhưng rất mãn nguyện về số tiền đã kết nối từ cộng đồng, giúp người bạn của tôi”, Thoại xúc động nói.

Anh Mạnh Thưởng (ở Hà Nội), người sáng lập cộng đồng Yêu bơi lội với hơn 150.000 người theo dõi trên mạng xã hội và là một trong những người thực hiện thử thách hôm 28.7, chia sẻ: “Thoại là người bơi được nhiều nhất với 21 km. Bản thân tôi và một số anh em khác đã dừng lại từ km thứ 10 để lên thuyền nghỉ vì điều kiện khó khăn, biển sóng dập dềnh chứ không phẳng lặng. Thoại có kỹ năng và thể lực tốt, tuy khiếm khuyết nhưng lại làm được điều phi thường”.

Chị Thanh Trà, chị của Tước, chia sẻ những ngày gần đây sức khỏe của Tước tiến triển tốt hơn và sắp được ra viện. Thay mặt em trai, chị Trà gửi lời cảm ơn đến Thoại và tất cả những người đã giúp đỡ gia đình mình và bày tỏ sự khâm phục về ý chí, nghị lực của Thoại.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *