Làm thế nào để người khuyết tật bớt nhọc nhằn tìm việc làm?
Buổi tiếp xúc, trao đổi trực tiếp giữa ba bên nhằm mục đích hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế có điều kiện tiếp cận học nghề, lựa chọn được công việc phù hợp với điều kiện, khả năng. Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tìm được nguồn nhân lực chất lượng, trách nhiệm và tích cực trong công việc. Đồng thời, đây cũng là cầu nối để các trung tâm đào tạo nghề nắm rõ nguyện vọng của từng nhóm người yếu thế. Qua đó có định hướng cụ thể trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền TP Hồ Chí Minh trong việc hướng nghiệp cho đối tượng người khuyết tật một các hiệu quả và bền vững.
Trung tâm Bảo trợ – Dạy nghề và Tạo việc làm cùng một số đơn vị đóng vai trò quan trọng khi là cầu nối giữa những người khuyết tật và doanh nghiệp tuyển dụng.
Tham gia trao đổi, đại diện người khuyết tật đến từ các nhà ở, mái ấm tình thương, trung tâm bảo trợ và Hội người mù của các địa phương đã nêu quan điểm, bày tỏ mong muốn trước vấn đề tìm việc làm. Một trong những khó khăn lớn của đại bộ phận những người yếu thế là mang khiếm khuyết bản thân khác nhau, sức khỏe, độ tuổi và khả năng đáp ứng công việc cũng không giống nhau. Nên việc phân nhóm đào tạo nghề, tìm việc phù hợp cho từng đối tượng là một trở ngại lớn.
Chị Hoàng Thị Tâm cho biết: “Không nhìn thấy ánh sáng là một trở ngại rất lớn trong đời sống đối với những người bị khiếm thị”.
“Bản thân tôi cũng như những người khiếm thị khác đến từ Hội Người mù TP Thủ Đức ngoài việc đi bán tâm bông, vé số dạo… rất khó tìm được một việc làm ổn định. Đối với các trường hợp khuyết tật tay hay chân, nhìn thấy ánh sáng thì dễ hơn phần nào trong việc làm dệt may, gia công hàng mỹ nghệ, buôn bán nhỏ lẻ. Chúng tôi mong muốn tìm được việc làm tại cơ sở, xí nghiệp hoặc có những sản phẩm hàng hóa có thể mang về nhà để tự gia công. Quan trọng hơn hết là chúng tôi có thể đáp ứng được mức sống cơ bản và gắn bó với công việc đó lâu dài, trước khi nghĩ đến việc phát triển thêm…” – Chị Tâm bày tỏ.
Nhu cầu việc làm của từng nhóm người khuyết tật cũng là vấn đề được quan tâm tại buổi trao đổi. Nhiều người khuyết tật đặt câu hỏi với các doanh nghiệp tuyển dụng hay đơn vị dạy nghề đã thật sự quan tâm, đến tận các mái ấm, trung tâm bảo trợ để tìm hiểu, lắng nghe về nguyện vọng công việc của họ hay chưa?
Anh Phạm Thế Anh đặt câu hỏi: “Liệu các doanh nghiệp có đang áp đặt tìm người khuyết tật phù hợp với công việc mà doanh nghiệp yêu cầu hay không?”.
“Các doanh nghiệp đưa ra nhu cầu tuyển dụng công việc và sau đó áp đặt lên đối tượng là những người khuyết tật để tìm nguồn nhân lực. Liệu đó có phải là giải pháp hỗ trợ nhóm đối tượng này và sẽ có bao nhiêu người thật sự đáp ứng được yêu cầu công việc đó. Một sự thật là số đơn vị tuyển dụng lao động là người yếu thế thì hạn hẹn trong khi đó số lượng người này ngoài cộng đồng thì rất nhiều và nhu cầu công việc của họ cũng rất khác nhau. Vậy đâu là giải pháp hỗ trợ chúng tôi một cách hiệu quả và mang tính bền vững nhất…”– anh Phạm Thế Anh (Thủ Đức).
Là một người khuyết tật đã lớn tuổi và đang sống tại một mái ấm tình thương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc chia sẻ: “Những người như chúng tôi sinh sống tại các nhà ở và mái ấm tình thương đều lớn tuổi. Người thấp thì đã 45 tuổi, người cao đã ngoài 60 tuổi. Đa số những trường hợp lớn tuổi sẽ có biểu hiện chậm chạp và khả năng tiếp thu không còn nhanh nhẹn như những người trẻ…”.
Bà Lộc nhìn nhận, mặc dù là người khuyết tật nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể đáp ứng được nhu cầu công việc như nhau.
Những người khuyết tật khi lớn tuổi việc vận động và đi lại sẽ khó khăn nhưng phải lo vấn đề về chỗ ở, vốn học nghề, buôn bán bấp bênh từng ngày… thì tội cho người ta. Nhưng bù lại nhóm đối tượng cao tuổi như chúng tôi lại chịu khó, khéo léo trong làm việc. Mong rằng quý doanh nghiệp, trung tâm dạy nghề sẽ cùng phối hợp để chúng tôi có điều kiện được “mưu sinh tại nhà” hay tìm một việc gì đó thật sự phù hợp với điều kiện và khả năng.
Ông Đoàn Ngọc Hoài Phong, cán bộ cố vấn chiến lược Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ trước các ý kiến được nêu. Bản thân ông Phong cũng là người bị khuyết tật chân trái, được đào tạo nghề và có khoảng thời gian làm thực công tác hướng nghiệp cho người khuyết tật trên địa bàn Thành phố. Ông chia sẻ: “Trước khi quan tâm việc có những chính sách gì, xã hội tạo điều kiện như thế nào? Thì bản thân người khuyết tật cần tạo một nền tảng trước. Phải nhìn nhận khả năng của mình, lựa chọn học nghề phù hợp sức khỏe và các điều kiện khác trước khi thực hành công việc tại các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng…”.
Ông Đoàn Ngọc Hoài Phong mong muốn người khuyết tật phải mạng dạng hơn. Đối với các doanh nghiệp hãy xem nhóm đối tượng này là một người bình thường, không may bị khiếm khuyết một phần cơ thể…
Dưới góc độ là đơn vị tuyển dụng lao động là nhóm đối tượng những người lao động yếu thế, bà Tô Thị Thùy Dung, đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu Thủ công mỹ nghệ Sen Sanctuary Việt Nam thông tin về việc hỗ trợ hướng nghiệp. Theo bà Tô Thị Thùy Dung thì mặt hàng sản xuất chính của doanh nghiệp là các đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm dệt may làm bằng tay… nên những người khiếm thị vẫn có khả năng thực hiện được. Đồng thời có thể làm việc tại nhà khi đảm bảo được năng suất làm việc.
Bà Châu giới thiệu sản phẩm do chính những người khuyết tật đang làm việc tại cơ sở của mình tạo ra.
Với khoảng thời gian 10 năm đồng hành cùng người khuyết tật trong hành trình hướng nghiệp, bà mong muốn người khuyết tật hãy dành thời gian để học nghề. Các lớp từ cơ bản đến nâng cao sẽ giúp tạo ra những sản phẩm có chất lượng và ứng dụng trong cộng đồng. Ngoài ra, bà Tô Thị Thùy Dung đã chia sẻ những khó khăn về nguồn nhân lực hỗ trợ dạy nghề bị hạn hẹp, kèm tài chính, lương kinh phí để hỗ trợ hướng nghiệp, công tác phí đi lại, nguyên liệu để dạy nghề là một vấn đề lớn phải tính toán kỹ.
Ông Tạ Vạng Đức – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ – Dạy nghề và Tạo việc làm TP Hồ Chí Minh thay mặt đơn vị dạy nghề tiếp thu ý kiến từ các bên.
Phía Trung tâm luôn tiếp nhận mọi nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm của người khuyết tật trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Khi cầu nhu cầu thì người khuyết tật đăng ký trực tiếp hoặc trực tuyến với các cơ sở của trung tâm. Qua việc khảo sát nhu cầu học nghề, trung tâm sẽ hệ thống, báo cáo cho cơ quan có trách nhiệm và cố gắng sớm nhất mở những lớp đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp từng nhóm đối tượng là người yếu thế. Ông Đức thông tin, việc khảo sát sẽ được thực hiện thường xuyên, đồng thời trung tâm sẽ tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng, kêu gọi xã hội hóa, hỗ trợ kinh phí dạy nghề…
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ xin ý kiến để mở sàn giao dịch việc làm riêng cho đối tượng người khuyết tật trên địa bàn Thành phố. Trung tâm cũng làm việc với các cơ quan giảm nghèo tại địa phương để hỗ trợ người khuyết tật có công việc tại nhà, có chế độ chăm lo phù hợp.
Sau khi lắng nghe từng bên trao đổi ý kiến, đại diện Công ty TNHH SCG Việt Nam đã đồng ý hỗ trợ một phần kinh phí để Trung tâm Bảo trợ – Dạy nghề và Tạo việc làm TP Hồ Chí Minh tổ chức dạy nghề cho các đối tượng khuyết tật. Đồng thời hỗ trợ Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu Thủ công mỹ nghệ Sen Sanctuary Việt Nam công tác hướng nghiệp và hỗ trợ đầu ra cho thành phẩm của doanh nghiệp.