Đến cuối năm 2022, 3 triệu người có chứng nhận người khuyết tật

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi chủ trì hội nghị

Thông tin được đưa ra hội nghị tổng kết công tác về người khuyết tật (NKT) năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức ngày 29/12, vừa qua tại Hà Nội.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Phạm Thị Hải Hà cho biết, đến nay cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2022, đã có trên 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.

Năm 2022, các hoạt động của công tác NKT đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các thành viên Ủy ban, các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức hữu quan. Việc bảo vệ quyền của NKT và thực hiện các chính sách trợ giúp NKT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch trợ giúp NKT; một số chính sách trợ giúp NKT được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.

“Năm 2022, ngân sách nhà nước đã bố trí 28.731 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 480 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT” – bà Phạm Thị Hải Hà cho biết.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật. Trong đó, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 559 tỷ đồng; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn trên 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị…

Các hoạt động trợ giúp NKT được triển khai rất đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu của đối tượng được trợ giúp: hỗ trợ chăm sóc, điều trị, phẫu thuật xông hơi giải độc, cấp thẻ bảo hiểm y tế, tặng xe lăn, dụng cụ trợ giúp khác cho NKT, tặng xe đạp và học bổng, trợ giúp tiềm việc làm mới, xây mới, sữa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết…

Năm 2022, nhiều NKT được dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế. Điển hình như Hội người mù Việt Nam mở 66 lớp cho 850 học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương, đan lát. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam dạy nghề cho 900 học viên, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức 33 lớp dạy nghề cho 596 trẻ em khuyết tật…

Cùng với đó, NKT được tiếp cận giao thông, thể hiện ở các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé với mức miễn giảm từ 25% – 100% cho NKT khi tham gia giao thông công cộng. 121.624 lượt NKT được miễn giảm giá vé giao thông đường bộ; 3.992 lượt hành khách là NKT được giảm 30% giá vé đi tàu; 230 khách hàng được giảm giá vé đường hàng không. 

Để tiếp tục chăm lo đời sống, sức khỏe cho người khuyết tật trong năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Phạm Thị Hải Hà cho biết, năm 2023, Ủy ban Quốc gia về NKT đã đề đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Ủy ban Quốc gia về NKT sẽ nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến NKT để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thực Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, NKT không có khả năng đọc chữ in tiếp cận tác phẩm;  tiếp tục rà soát, cập nhật phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức kinh tế kỹ thuật và định mức chi phí đào tạo cho từng nghề làm căn cứ để tổ chức đào tạo hòa nhập và đào tạo chuyên biệt cho NKT; đào tạo nghề theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng, hỗ trợ đào tạo cho khoảng 20.000 NKT.

Ủy ban Quốc gia về NKT tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho NKT; mô hình khởi nghiệp; đào tạo nghề gắn với việc làm tại DN, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho NKT; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng…/.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hà Giang: Chàng trai xe lăn vươn lên nhờ ‘con Dúi’

Anh Ma Văn Dựng trên chiếc xe lăn hạnh phúc bên bạn đời của mình.

Sinh ra và lớn lên với cơ thể khoẻ mạnh, nhưng năm 2013, biến cố đã đến với anh khi đang học năm thứ 2 của trường Cao đẳng giao thông vận tải, anh bị gãy xương cột sống do tai nạn giao thông. Vụ tai nạn đã cướp đi đôi chân lành lặn và từ đó cuộc sống của anh gắn liền với chiếc xe lăn. 22 tuổi, đang tuổi ăn tuổi học, tuổi đẹp nhất của cuộc đời bỗng chốc phải ngồi trên chiếc xe lăn để di chuyển, tinh thần lúc đó thật khó diễn tả được, bất lực suy sụp. Nhiều lúc anh nghĩ quẩn và muốn tìm đến cái chết để không phải chịu đựng những cơn đau về thể xác lẫn tinh thần hàng ngày và để bớt đi gánh nặng về kinh tế, bớt đi sự lo lắng cho gia đình.

Nằm trên giường bất động gần 1 năm, chịu những cơn đau đớn hành hạ, anh đã mắc phải bệnh trầm cảm, không muốn tiếp xúc với ai. Trong lúc tuyệt vọng nhất, anh may mắn nhận được tình cảm của một cô gái mang lòng yêu thương, luôn chăm sóc và luôn đồng hành cùng anh đi đến các bệnh viện.

Vượt qua mọi rào cản, 2 anh chị quyết tâm đến với nhau. Đám cưới diễn ra rất đơn giản, không ảnh cưới, không váy cưới, chú rể phải nhờ bạn thân đi đón dâu, gia đình chỉ làm mấy mâm cơm mời anh em trong gia đình, thân thiết.

Anh được các anh chị khuyên bảo, động viên mở quán bán hàng cho đỡ buồn. Vốn khởi nghiệp vẻn vẹn 1.800.000 đồng do các anh, chị em góp lại và túp lều tranh do bố mẹ dựng tạm ven đường. Với số vốn ít ỏi đó, anh bắt đầu nhập ít hàng tạp hóa: mắm, muối, mì chính … về bán cho khuây khỏa và có thu nhập lo cho bản thân.

Năm 2018, được Hội người khuyết tật huyện Bắc Quang tuyên truyền, vận động, anh đã tham gia vào Ban vận động thành lập Hội Người khuyết tật xã Hữu Sản huyện Bắc Quang và chính thức trở thành hội viên của hội. Với sự cố gắng của bản thân, sự tín nhiệm của tập thể, anh được bầu làm Phó Ban vận động thành lập hội thôn Chiến Thắng, xã Hữu Sản, huyện Bắc Quang, Hà Giang.Từ đó anh có cơ hội học hỏi được nhiều người khuyết tật khác về kinh nghiệm sống và tham gia đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho công tác hội của xã. Bên cạnh đó, anh cũng tích cực tham gia công tác Hội ở cơ sở và tham gia vào Câu lạc bộ chấn thương cột sống Việt Nam.

Nhận thấy cần phải tích cực trong sản xuất kinh tế và vươn lên thoát nghèo, hiện nay ngoài việc mở một cửa hàng kinh doanh, buôn bán nhỏ và chăn nuôi gà, vịt, anh đã mạnh dạn chăn nuôi thêm con dúi để phát triển kinh tế gia đình. Tích cực học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu thêm ở trên mạng, khó khăn bước đầu dần được cải thiện.

Việc sinh lời từ con dúi khá ổn định, hàng năm số lượng dúi thương phẩm xuất bán ra thị trường tăng lên, thu nhập bình quân đạt từ 20 đến 25 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, anh có cuộc sống ổn định, đủ chăm lo cho gia đình và thoát nghèo.

Nghĩ đến nhiều hộ gia đình nghèo khác, anh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm để cùng mong “xoá sổ” hộ nghèo ở địa phương. Bên cạnh đó là để các gia đình có điều kiện lo cho con cái ăn học. Với anh, chỉ có như vậy thì việc giảm nghèo mới hiệu quả lâu dài.

Hiện, tại địa phương đã có nhiều hộ gia đình mạnh dạn trong việc nuôi dúi cũng như phát triển kinh tế từ lợi thế của địa phương. Nhiều thanh niên cũng đến học hỏi kinh nghiệm từ Anh.

Hiện nay hai anh chị có một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình cùng 2 bé một trai, một gái, được mọi người yêu mến. Vợ anh chịu trách nhiệm chăm lo công việc đồng áng và chăm sóc con cái, còn anh ở nhà bán hàng tạp hóa. Anh luôn cảm ơn người vợ đã không ngại gian khổ, luôn chăm sóc cho anh và cả gia đình luôn được hạnh phúc và cũng nhờ có tình yêu thương của vợ con, gia đình và cùng khát vọng sống, anh đã vượt qua mặc cảm, tự ti cho đến hôm nay.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *