Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ tích cực xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức

Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ trong những năm qua luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với hoạt động dạy và học nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

Những kết quả khả quan

Nhà trường đầu tư hệ thống labo thí nghiệm với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại lên đến hàng chục tỷ đồng nhằm phục vụ tối ưu cho các nghiên cứu thực nghiệm. Thư viện số với hàng chục nghìn đầu sách, các tạp chí chuyên ngành là nguồn cung cấp thông tin hữu ích cho giảng viên và sinh viên.

Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh việc gắn kết chặt chẽ với các tổ chức khoa học – công nghệ (KHCN), doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; phát triển tài sản trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và sinh viên trong toàn trường.

Ký kết chương trình hợp tác giữa nhà trường với Công ty CP Dược liệu Việt Nam.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ trí thức nhà trường được triển khai theo nhiều hình thức, tập trung chủ yếu vào bốn nhóm giải pháp sau:

 Một là, nâng cao nhận thức về nghiên cứu khoa học và vai trò của hoạt động này đối với công tác phát triển nghề nghiệp cho giảng viên.

Hai là, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng, phương pháp, kiến thức về hoạt động nghiên cứu khoa học cho giảng viên.

Ba là, thực hiện kiểm tra, giám sát, điều chỉnh và đánh giá công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học đối với các giảng viên.

Bốn là, tổ chức, giới thiệu các điều kiện khách quan thuận lợi để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong giảng viên.

Để tạo điều kiện, môi trường thông thoáng, những năm vừa qua, hệ thống văn bản, quy định về quản lý hoạt động KHCN của nhà trường tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động rõ ràng, cụ thể và hiệu quả hơn. Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Tỉnh và cấp cơ sở; định hướng, đề xuất, thúc đẩy, phối hợp, triển khai… Điển hình như đề tài thuộc Quỹ phát triển KHCN quốc gia (Nafosted): “Nghiên cứu ô nhiễm vi nhựa trong một số loài hai mảnh vỏ tại một vài vùng ven biển ở miền Bắc Việt Nam” do TS. Phương Ngọc Nam (tu nghiệp tại Cộng hòa Pháp) làm chủ nhiệm. Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Đề tài cấp tỉnh: Xây dựng quy trình chiết xuất, bào chế và thử nghiệm sản xuất cao Mướp đắng và viên nang chứa cao khô giàu hoạt chất saponin hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường” do TS. Nguyễn Quốc Tuấn (bảo vệ luận án tiến sĩ ở Hàn Quốc) làm chủ nhiệm đã được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh xếp loại xuất sắc. Nhóm tác giả đang tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong tỉnh để nâng cấp đề tài thành dự án sản xuất thử nghiệm nhằm đem đến cho người bệnh đái tháo đường có thêm lựa chọn hiệu quả trong điều trị.

Kết quả nghiên cứu khoa học của nhà trường được tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và đoạt nhiều giải thưởng, được đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn. Đặc biệt, giải pháp “Xây dựng hệ sinh thái đào tạo nghề tư vấn đứng quầy thuốc cho sinh viên cao đẳng dược tại Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ” năm 2021 được giải Nhì lĩnh vực quản lý, giáo dục, đào tạo tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16. Giải pháp đã vinh dự được đưa vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021. Đồng thời, nhà trường vinh dự được nhận Cờ thi đua của Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Việt Nam năm 2022.

Cán bộ, giảng viên nhà trường đạt giải cao tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2021.

Kết quả trên thể hiện sự nỗ lực lớn của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường trong hoạt động nghiên cứu KHCN. Cùng với đó, công tác hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học được quan tâm, chú trọng. Điều này thể hiện rõ trong chất lượng khóa luận năm sau cao hơn năm trước. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên mạnh dạn đăng ký các đề tài nghiên cứu thực nghiệm hoặc khảo sát, đánh giá từ các số liệu thu thập được tại các cơ sở hoặc điều tra khảo sát. Những nghiên cứu xuất sắc và có hàm lượng khoa học cao đã được lựa chọn để báo cáo tại các hội nghị khoa học thường niên cấp trường. Đây sẽ là động lực khuyến khích các em sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, là cơ hội phát huy tài năng, trí tuệ của mình.

Việc tập huấn về phương pháp thu thập và xử lý số liệu trong nghiên cứu khoa học được tổ chức định kỳ hằng năm nhằm giúp cán bộ, giảng viên hình thành được các kỹ năng và cách xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học. Nhà trường xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ dược, nơi tập trung nhiều nhà khoa học có học hàm, học vị cao, được đào tạo ở các nước tiên tiến trên thế giới sẽ trở thành nòng cốt cho công tác phát triển tiềm lực khoa học của nhà trường.

Có thể khẳng định, với sự đoàn kết và sáng tạo không ngừng, Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ đã đạt được nhiều thành công trong hoạt động KHCN và xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Thọ.

Một số hạn chế, vướng mắc

Mặc dù nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức và hoạt động KHCN tại nhà trường được triển khai tích cực do có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu và sự hưởng ứng, đồng thuận của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Tuy nhiên, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN và xây dựng đội ngũ trí thức tại nhà trường nói riêng và tỉnh Phú Thọ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là: (1). Chưa có cơ chế, chính sách riêng và phương thức đào tạo, sử dụng có tính đặc thù áp dụng riêng cho đối tượng đặc biệt này. (2). Việc quản lý và sử dụng trí thức về cơ bản vẫn thực hiện theo quy trình chung như đối với tất cả các loại nhân lực khác, chưa được quan tâm đúng mức, ít chú trọng tạo điều kiện cần thiết để đội ngũ trí thức phát huy năng lực. (3). Nhiệm vụ xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và hoạt động nghiên cứu KHCN còn mang nặng yếu tố tự phát, thiếu bài bản, tính hệ thống, liên hoàn, đồng bộ, không có sự kết hợp hài hòa giữa đào tạo và sử dụng. (4). Tình trạng thiếu hụt cán bộ tài năng đang trở thành nguy cơ làm suy giảm khả năng cạnh tranh và kìm hãm nhịp độ phát triển của các đơn vị cũng như tỉnh Phú Thọ.

Đề xuất một số giải pháp

Để phát huy tối đa tiềm lực KHCN của nhà trường cũng như tỉnh Phú Thọ, cần phải kết hợp thực hiện các nhóm giải pháp mang tính đột phá và thường xuyên, cụ thể sau:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình liên kết đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, nhân lực trình độ cao ở các nước phát triển.

Thứ hai, tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm, tạo môi trường làm việc thông thoáng, hiện đại cho đội ngũ trí thức có đủ điều kiện để tập trung nghiên cứu, sáng tạo.

Thứ ba, xây dựng các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện tuyển dụng, thu hút trí thức có trình độ chuyên môn; đổi mới chính sách, phương thức tuyển dụng, thu hút trí thức.

Thứ tư, tăng cường sự hỗ trợ về kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KHCN các cấp, đặc biệt cấp cơ sở. Các nguồn kinh phí đề xuất hỗ trợ nghiên cứu khoa học tại cơ sở như: Ngân sách sự nghiệp khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh; ngân sách ngoài nhà nước của các tổ chức, doanh nghiệp đặt hàng các sản phẩm khoa học và công nghệ…

Thứ năm, cần có thêm nhiều chính sách phù hợp hơn nữa nhằm khuyến khích, động viên các trí thức KHCN tiêu biểu, điển hình lao động sáng tạo, tài năng trẻ về KHCN. Đây sẽ là hạt nhân, những tấm gương sáng lan tỏa niềm say mê cống hiến để đóng góp, xây dựng tỉnh Phú Thọ giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

ThS. Hà Thanh Hòa – Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *