Tăng cường tạo việc làm, hỗ trợ vật chất cho thương binh và người khuyết tật

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, do vậy hệ thống an sinh xã hội trong tình hình mới cần định hướng rõ mục tiêu phát triển vì con người, coi trọng bao trùm xã hội, thay đổi căn bản nhận thức về vị trí, vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng bao cấp của nhà nước và hội nhập sâu hơn với quốc tế.

Việt Nam là một quốc gia trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lại bị ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu; hậu quả đó đã tác động xấu và để lại cho xã hội nhiều hệ lụy. Một trong những yếu tố căn bản để thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, chính là việc hỗ trợ và giúp đỡ các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương (thương bệnh binh, người khuyết tật, người già…) hòa nhập cộng đồng, nâng cao thu nhập bình quân trên đầu người.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Quyết UV TT BCH, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Hòa Nhập phát biểu tại Đại hội.

Thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2020, gần 3 triệu NKT đã được cấp giấy chứng nhận NKT. Theo kết quả điều tra, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho người khuyết tật  cũng thấp hơn những người không khuyết tật. Cho dù người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách BHYT và nghèo không phải là rào cản đối với việc tiếp cận các cơ sở y tế, nhưng rất ít người khuyết tật (2.3%) tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với người khuyết tật.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau thể chất và tinh thần vẫn hàng ngày hiện hữu, dày vò những thương binh, bệnh binh. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, ”Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”… Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện hiệu quả; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi không ngừng được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đến nay, hơn 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng ngàn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Số người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên gần 1,2 triệu. Hằng năm gần 106.000 lượt người được điều dưỡng tập trung và gần 387.000 lượt người điều dưỡng tại gia đình. Cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trong đó có 30 trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng. Các doanh nghiệp của thương binh cũng nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ngành các cấp trong quá trình hoạt động.

Nhiều năm vừa qua, Bộ  LĐ TB XH đã cố gắng, nỗ lực trong việc tham mưu cho Đảng và Nhà nước, Chính phủ triển khai thực hiện chính sách về lao động- việc làm cho đối tượng người có công và người khuyết tật. Cùng với hoàn thiện 6 luật, có 3 luật bổ sung, sửa đổi và 2 luật xây dựng mới đã góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách về các lĩnh vực trên. Chính nhờ đó, hàng triệu việc làm mới đã được tạo ra trong những năm vừa qua, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, mức trợ cấp đối với người có công và người khuyết tật cũng được nâng lên đáng kể.

Nhiều nguồn lực để hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng đã được khơi dậy, đóng góp của cộng đồng chung tay chăm sóc người có công với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Quỹ đền ơn đáp nghĩa với hàng ngàn tỷ đồng đã xây mới khoảng hàng chục nghìn nhà tình nghĩa. Kinh tế đất nước có khó khăn, thách thức, song Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực trợ giúp xã hội tiếp tục là điểm sáng.

Để đảm bảo tốt an sinh xã hội, xây dựng một Việt Nam hùng cường, phát triển bền vững, văn minh, hiện đại, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đó là “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021). Qua nội dung Văn kiện của Đảng đã nhận thấy rõ thương binh, người khuyết tật cũng như mọi thành viên trong xã hội đều được thụ hưởng thành quả tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão.

Để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, đưa chủ trương chính sách của Đảng vào cuộc sống, có vai trò không nhỏ của Hiệp hội doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam. Hiệp hội đã thu hút gần 1000 doanh nghiệp hội viên tham gia, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong cơ chế thị trường, trụ vững và phát triển, tránh được nguy cơ phá sản, giải thể. Chính nhờ đó, hàng triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật, duy trì được việc làm, có được thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình. Các doanh nghiệp hội viên trong hệ thống của Hiệp hội đã đóng góp hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách của Nhà nước.

Hiệp hội đã là chỗ dựa tin cậy cho các doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật hoạt động trong tất cả các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh – dịch vụ của nền kinh tế. Dưới sự giúp đỡ của Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên, nhiều thương binh, người khuyết tật đã vượt qua nỗi đau, tích cực lao động làm giàu cho mình, cho gia đình, không trở thành gánh nặng cho xã hội. Thông qua các chương trình, giải pháp do Hiệp hội triển khai, tổ chức đã xuất hiện nhiều Tấm gương “Thương binh tàn nhưng không phế”, “Anh bộ đội cụ Hồ”, “Người khuyết tật vượt khó” trên khắp 63 tỉnh, thành.

Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Đại biểu khách mời.

Các đồng chí thương bệnh binh trong đội hình của Hiệp hội đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, nhiều đồng chí đã tổ chức sản xuất, kinh doanh và dịch vụ rất giỏi chẳng những làm giàu cho mình mà còn đóng góp cho sự phát triển của đất nước và góp phần vào việc an sinh – xã hội. Các đồng chí thương binh đã vượt qua nôi đau thương tật, tích cực Lao động sản xuất được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”, Huân chương Lao động như: Thương binh 1/4 Trần Hồng Quảng, và Thương binh Nguyễn Văn Quỳnh, Anh hùng Lao động Đoàn Xuân Tiếp

Trước yêu cầu phát triển của thực tiễn, trong nhiều năm qua, Hiệp hội doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam luôn quan tâm, chỉ đạo công tác truyền thông, coi đây là công tác quan trọng, hỗ trợ hiệu quả việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, kinh tế của Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên. Thực tiễn đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với công tác truyền thông, báo chí, nhất là trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ… Báo chí của Hiệp hội phải đổi mới, chuyển tải những thông điệp lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn hóa, để văn hóa trở thành động lực của sự phát triển, là sức mạnh nội sinh, như lời Bác Hồ căn dặn: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi…

Thường trực BCH Hiệp hội đã chỉ đạo Ban biên tập Tạp chí điện tử Hòa Nhập phối hợp với nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương, tổ chức tuyên truyền các chủ trương chinh sách của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật, thương bệnh binh. Tuyên truyền nhiều chương trình an sinh xã hội để huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức của người khuyết tật, từ thiện trong và ngoài nước… góp phần tạo việc làm cho thương binh và người khuyết tật; từng bước giảm dần những rào cản, cải thiện đời sống, bảo đảm quyền của người khuyết tật.

Kể từ khi thành lập 2006, Tạp chí Hướng nghiệp và hòa nhập cùng Tạp chí điện tử Hòa Nhập đã đăng tải hàng ngàn tin bài về thương binh, người khuyết tật nỗ lực vượt khó làm giàu cho mình, góp phần nâng cao kinh tế gia đình và địa phương. Từ lúc chỉ có 5 cán bộ khi mới thành lập, đến nay Tạp chí có trên 50 cán bộ, phóng viên, với 8 phòng ban chuyên môn và 5 văn phòng đại diện trên cả nước. Mỗi năm đóng góp ngân sách hàng trăm triệu đồng tiền thuế. Tạp chí có Chi bộ Đảng gồm 12 đồng chí trực thuộc Đảng ủy Khối các doanh nghiệp quận Đống Đa, Hà Nội, đồng chí Bí thư chi bộ đồng thời là Tổng biên tập Tạp chí. Ngay từ ngày đầu đi vào hoạt động, để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, Tạp chí đã thành lập Chi hội Nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, đến nay chi hội có 42 hội viên là những nhà báo có kinh nghiệm, có nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị. Hàng năm, Tạp chí đều tổ chức các Chương trình tri ân tặng quà cho các Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc Thương bệnh binh tại Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam. Dịp 27/7 hàng năm, tạp chí đều tổ chức nhiều đưa các đại biểu thương binh và cán bộ phóng viên đến các Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Điện Biên, Hà Giang để dâng hương, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. Qua hoạt động đó nhằm giao dục chính trị tư tưởng cho thế trẻ về lòng yêu nước.

Các nội dung trên Tạp chí đều bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Thường trực BCH Hiệp hội đối với hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm đối với thương binh, con em gia đình chính sách và người khuyết tật, tạo điều kiện để Thương bệnh binh và người khuyết tật có thu nhập ổn định, hòa nhập cộng đồng. Tap chí đã chuyển tải nhiều chủ trương, chính sách mới có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật trên cả nước. Nhiều sự kiện quan trọng của Bộ Lao động Thương binh và xã hội được Tạp chí thông tin kịp thời tới bạn đọc trong và ngoài nước. Đồng thời, Tạp chí tuyên truyền đậm nét các hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam từ T.W đến các tỉnh, thành, đặc biệt là các doanh nghiệp điển hình tiên tiến, mô hình mới.

Để công tác truyền thông của Hiệp hội tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

– Hiệp hội tiếp tục giao nhiệm vụ cho Tạp chí điện tử Hòa nhập xây dựng Kế hoạch truyền thông báo chí trong 5 năm tới. Đây là nội dung rất quan trọng để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên trong hệ thống chính trị và môi trường kinh doanh.

– Hiệp hội tổ chức tọa đàm với các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương về các vấn đề bức xúc của doanh nghiệp hội viên trong việc mở rộng kinh doanh sản xuất, thuê mặt bằng, chính sách thuế… Đây là nguồn đề tài phong phú có hàm lượng chất xám cao để Tạp chí tuyên truyền và có các bài viết phản biện chính sách, thúc đẩy xây dựng một môi trường kinh doanh năng động, hỗ trợ doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật phát triển.

– Định kỳ hàng năm, Hiệp hội tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức truyền thông, pháp luật cho cán bộ, nhân viên các đơn vị và doanh nghiệp trực thuộc. Tạp chí sẽ đảm nhận phần nội dung xử lý khủng hoảng truyền thông trong doanh nghiệp hội viên và các phương thức quảng bá thương hiệu trên công nghệ 4.0. Qua đó, xây dựng được đội ngũ cộng tác viên từ cơ sở giúp công tác tuyên truyền của Hiệp hội sát với thực tiễn sản xuất kinh doanh.

– Tăng cường kết nối Hiệp hội với các cơ quan nghiên cứu, các viện trường, các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học để có thông tin, kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật mới phục vụ công tác sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên.

– Tăng cường kết nối Hiệp hội với các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông và thúc đẩy sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức trong xã hội đối với doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật.

– Hiệp hội tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách, ngoài ngân sách để đa dạng hóa các phương thức truyền thông của Tạp chí, đáp ứng đói hỏi của thời kỳ mới.

Một số giải pháp cụ thể đối với Tạp chí điện tử Hòa nhập

Tạp chí điện tử Hòa Nhập dự kiến tăng số lượng tin bài hằng ngày lên 15 – 20 tin bài/ngày. Trong đó, tin bài về doanh nghiệp thương binh khuyết tật, thương binh, người khuyết tật, người có công vẫn duy trì tỷ lệ 80%.

Bên cạnh đó là tin bài tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, chính sách kinh tế và hoạt động doanh nghiệp nhằm phổ biến kiến thức về tư duy pháp lý, kinh nghiệm kinh doanh, sản xuất cho hội viên Hiệp hội nói riêng và các đối tượng chính sách nói chung.

– Tòa soạn sẽ thực hiện một số buổi tọa đàm nhỏ về chính sách đối với doanh nghiệp để tiếp tục phục vụ công tác sản xuất nội dung làm phong phú đề tài, hiệu quả thiết thực với độc giả nhưng vẫn đảm bảo tôn chỉ mục đích của Tạp chí.

– Sản xuất Đặc san “Khát vọng Việt Nam thịnh vượng” cả về nội dung và kinh tế vào các dịp quan trọng.

– Xây dựng và tham gia Đặc san về các doanh nhân là đã từng tham gia quân ngũ, là thương binh và người khuyết tật, những doanh nghiệp có sử dụng lao động là thương binh và người khuyết tật.

– Tổ chức các hoạt động thiện nguyện, thăm lại chiến trường xưa./.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *