Khua gậy dò con chữ

Khát khao tri thức

Chu Văn Hòa sinh ra có đôi mắt sáng như bao đứa trẻ khác. Tưởng rằng cuộc đời cứ bình lặng trôi như thế nhưng ngày Hòa phát hiện con chữ trên bảng cứ mờ dần cũng là ngày bắt đầu chuỗi ngày gia đình chạy chữa khắp các bệnh viện từ tây y sang đông y. Mặc những cố gắng từ gia đình năm Hòa 14 tuổi anh mất hoàn toàn thị lực.
Hòa sống trong bóng tối vô tận, mọi sinh hoạt đơn giản như: đi lại, vui chơi, thiếu đi ánh nhìn bỗng trở nên thật khó khăn nhưng tất cả đó không khủng khiếp bằng việc anh buộc phải thôi học. Mỗi ngày qua ô cửa sổ nghe tiếng bạn bè trang lứa gọi nhau í ới tới trường, Hòa chỉ biết gặm nhấm nỗi tủi thân riêng mình. Tưởng rằng ước mơ đi học của Hòa sẽ mãi chỉ là ước mơ và con đường tới trường còn xa lắm, năm 2000 Chu Văn Hòa tham gia vào Hội người mù huyện Tiên Du. Năm 2001, Chu Văn Hòa tham gia lớp học dạy chữ Braille (một loại chữ người khiếm thị có thể đọc được bằng tay) đó chính là quyết định đã thay đổi cuộc đời chàng trai trẻ.

Hành trình bắt đầu…
Những kiến thức học ở các lớp học do hội người mù tổ chức không thể thỏa mãn khát khao tri thức của anh. Chu Văn Hòa quyết tâm nối lại con đường học tập tưởng đã đứt gánh từ ngày anh mất đi thị lực. Anh gõ cửa từng cánh cổng trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Hòa không nhớ mình đã nhận được cái lắc đầu của bao nhiêu trường vì điều kiện của các trường chưa thể đáp ứng việc giảng dạy   giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn  Tố quận Hoàn Kiếm là nơi đã viết tiếp ước mơ đến trường cho anh.

“Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên của năm học 2005 – 2006, đã lâu lắm rồi, tôi mới được ngồi lại trên ghế nhà trường. nghe tiếng thầy cô giảng bài. Những hình ảnh xưa cũ tôi không bao giờ quên lại hiện lên: Nét phấn trắng trên bảng đen, tia nắng vàng xuyên qua tán phượng thắm. Tôi nhận ra một điều rằng được đi học là cả một niềm hạnh phúc”, Chu Văn Hòa tâm sự.

Trên hạnh trình tìm con chữ, chàng trai khiếm thị ấy gặp muôn vàn khó khăn: Nhà cách trường hơn 30 cây số, mỗi sáng Hòa đều phải dậy sớm nhờ người thân chở ra điểm buýt cách nhà hơn 4 km bắt xe buýt rồi đi thêm một cuốc xe ôm nữa mới đến trường. Thêm nữa 6 năm không tiếp xúc với chương trình học phổ thông là lỗ hổng kiến thức khá lớn nhưng không vì thế mà Hòa bỏ cuộc. Dưới sự giúp sức của gia đình, thầy cô đặc biệt là ý chí, sự cần cù học tập Hòa nhanh chóng bắt nhịp được với tấc độ giảng bài của các thầy cô trên lớp.

Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2008, Chu Văn Hòa nuôi ý chí học đại học. Tuy tự tin về nền tảng kiến thức nhưng do các trường đại học thời điểm đó chưa có quy chế tuyển sinh nên việc nộp hồ sơ của Hòa gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng may mắn đã mỉm cười với anh khi Hòa được dự thi và trúng tuyển vào khoa luật kinh tế – Đại học Mở Hà Nội.

Anh Chu Văn Hòa trong niềm vui nhận bằng Thạc sĩ

Tốt nghiệp cử nhân khoa Luật kinh tế – Đại học Mở năm 2013 Chu Văn Hòa tiếp tục ôn thi Cao học ngành Chính sách công năm 2014 tại trường Học viện khoa học xã hội – Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt nam. Trong thời gian học, dù là học viên Khuyết tật duy nhất của trường nhưng Hòa luôn cố gắng để hoàn thành tốt nội dung chương trình đào tạo. Tới năm 2016, bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp thạc sĩ với đề tài: Chính sách việc làm cho người khuyết tật từ thực tiễn tỉnh Bắc Ninh với số điểm 9.5. Những kết quả đáng ngưỡng mộ của Hòa đến không phải từ sự may mắn hay ban phát lòng thương  đó chính là sự ghi nhận năng lực, sự cố gắng của chính Hòa kì diệu như chính sức mạnh tự thân nơi anh.

Lan tỏa ánh sáng

“Có thứ ánh sáng giúp nâng tầm đời sống người khiếm thị đó là tin  học và tri thức”, Chu Văn Hòa luôn tâm niệm như vậy. Bằng những kiến thức được rèn luyện, kỹ năng tích góp trong quá trình học tập Chu Văn Hòa giữ cương vị giáo viên chia sẻ kiến thức ở nhiều lớp học như: chữ nổi, vi tính văn phòng, xoa bóp bấm huyệt,… trong và ngoài tỉnh.

Năm 2016, được sự tín nhiệm cao của ban thường vụ Hội người mù tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo UBND huyện Tiên Du và hội viên hội người mù huyện Tiên Du, Chu Văn Hòa được bầu giữ chức vụ phó chủ tịch Hội người mù huyện Tiên Du. Trên cương vị mới là cơ hội để Hòa phát huy được hết những sở trường, kiến thức dốc sức nâng tầm cuộc sống người mù trong huyện. Từ một hội còn kém phát triển, với sức trẻ, nhiệt huyết và những quyết sách táo bạo của mình, Chu Văn Hòa đã tham mưu cho ban thường trực những hướng đi mới cho hội. Theo đó hằng loạt các câu lạc bộ được thành lập: câu lạc bộ Văn Nghệ, câu lạc bộ Thể Thao,… anh đưa ra hướng xã hội hóa các hoạt động của hội. Hòa không ngại gõ cửa từng phòng ban, từng doanh nghiệp để vận động gây quỹ mở lớp học, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề cho các câu lạc bộ, tặng quà nhân các dịp ngày lễ tết, hỗ trợ cho người mù trong địa bàn huyện thậm chí nếu không đủ anh sẵn sàng bỏ tiền túi cho các hội viên.

Anh Chu Văn Hòa làm việc ở cơ quan

Hơn ai hết Hòa hiểu được khó khăn của học sinh khiếm thị. Anh nhiệt tình dạy miễn phí chữ nổi, máy tính cho các trẻ em mù, vận động học bổng cho học sinh sinh viên. Anh cũng liên hệ với các phòng ban có liên quan để tác động nhận các bạn học sinh học hòa nhập tại các trường Đại học và trung học phổ thông các cấp. “Làm vì cái tâm, tôi hiểu rằng con đường đi học của người mù còn gian nan lắm. Tôi hạnh phúc vì những đóng góp nhỏ bé của mình. Mong rằng tôi sẽ giúp đỡ được nhiều người mù hơn để cuộc sống người mù được cải thiện, mong rằng sẽ không có bạn trẻ khiếm thị nào dở dang trên con đường học tập”.

Chặng đường học tập của Chu Văn Hòa viết lên bằng sự nỗ lực và ý chí phi thường. Bây giờ anh lại lặng lẽ đi truyền lửa để nối dài những con đường ấy, để lan tỏa một thứ ánh sáng mới.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *