Công ty CP Thiết bị GD và Đồ chơi Hà Thành trúng nhiều gói thầu tại Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Tham gia thầu gói nào trúng gói đó tại sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

vào đầu năm 2021, báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực để phản ánh việc Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục Hải Hà trúng nhiều gói thầu mua sắm tại Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc và có nhiều điều bất thường về giá. Cụ thể, nghi vấn đặt ra ở 2 gói thầu: Mua sắm, lắp đặt phòng bộ môn Tin học cho các trường Trung học cơ sở và gói thầu Mua sắm, lắp đặt phòng bộ môn Tin học cho các trường Tiểu học trong tỉnh.

Theo dữ liệu, ngày ngày 21/8/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định 2154/QĐ-CT về việc cấp kinh phí, phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu nội dung mua sắm thiết bị phòng Tin học cho các Trường Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Nội dung Quyết định cho thấy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm triển khai thủ tục đấu thầu theo quy định và sử dụng kinh phí được cấp đúng mục đích, đối tượng, nội dung được phê duyệt. Ngoài ra, Sở GD&ĐT tỉnh phải có trách nhiệm rà soát lại các hạng mục đầu tư để đảm bảo không trùng lặp, tiết kiệm và có phương án bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị sau đầu tư đạt hiệu quả tối đa phát huy nguồn vốn ngân sách tỉnh đại diện mời thầu.

Về phía Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh giao là cơ quan thẩm định giá và có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, đôn đốc Chủ đầu tư triển khai, thực hiện kinh phí được cấp, dự toán và kế hoạch đấu thầu được phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Sở Tài chính là đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Vĩnh Phúc về các nội dung đã thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ngay sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng, một số cơ quan báo chí đã có bài viết cho rằng, dù cùng thời điểm, cùng cấu hình, cùng đặc điểm kỹ thuật, xuất xứ theo như mô tả tại E-Hồ sơ mời thầu, song giá thiết bị tại 2 gói thầu lại khác nhau hoàn hoàn. 

Cụ thể, hạng mục Hệ điều hành có bản quyền cho máy tính học sinh và giáo viên giữa hai gói thầu có chênh lệch nhau mấy trăm nghìn đồng. Hạng mục máy tính cho giáo viên, thiết bị giá treo máy chiếu, thiết bị bộ điều khiển cho giáo viên, thiết bị điều khiển máy tính cho học sinh cũng có hiện tượng tương tự. Ngoài ra, một số cơ quan báo chí cũng đã thông tin về việc giá trang thiết bị của 2 gói thầu này cao hơn so với một số gói thầu khác.

Gần đây, ngày 15/4/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký ban hành Quyết định phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua sắm thiết bị vận động, đồ chơi ngoài trời cho các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn tỉnh” do Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Mục tiêu mua sắm 666 bộ thiết bị vận động thể chất tiểu học, 36 bộ thiết bị vận động thể chất mầm non cho các Trường tiểu học và mầm non trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng dự toán là 60,807 tỷ đồng, lấy từ nguồn kinh phí Ngân sách Nhà nước cấp cho Sở GD&ĐT năm 2020. Đến ngày 25/6/2021, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc công bố mời thầu gói thầu nêu trên với hình thức đấu thầu qua mạng, rộng rãi trong cả nước.

Mặc dù là gói thầu có giá trị lớn, nhưng chỉ có 1 nhà thầu duy nhất tham gia dự thầu đó là liên danh Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Hà Thành (Công ty Hà Thành – Số 41D Tập thể Đại học Thương Mại, phố Dương Khuê, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) – Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Bình Dương (Số 18, ngách 7, ngõ 381 Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).

Có lẽ do không có “đối thủ” cạnh tranh nên ngày 10/9/2021, liên danh nhà thầu Công ty Hà Thành-Công ty Bình Dương được ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc ký ban hành Quyết định số 957/QĐ- SGDĐT phê duyệt trúng thầu gói thầu “Mua sắm thiết bị vận động, đồ chơi ngoài trời cho các trường Tiểu học và Mầm non trên địa bàn tỉnh” với giá 58,590 tỷđồng.

Theo công bố trên cổng thông tin đấu thầu quốc gia, Công ty Hà Thành là một nhà thầu “thân thiết” trúng nhiều gói thầu tại Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc. Gần đây, Công ty Hà Thành tham gia 6 gói thầu của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó đã trúng thầu 6 gói, tỷ lệ trúng thầu 100%, với tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Đối tác liên danh cùng Công ty Hà Thành là  Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Bình Dương cũng được công bố tham gia 10 gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc mời thầu, trong đó “ẵm trọn” cả 10 gói với tổng trị giá lên tới hơn 100 tỷ đồng.

 Trụ sở Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Hà Thành

Theo dữ liệu thống kê, của mạng đấu thầu quốc gia thì Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Hà Thành với mã số thuế là 0102283653 (Công ty Hà Thành – Số 41D Tập thể Đại học Thương Mại, phố Dương Khuê, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) có tham gia 99 gói thầu, trong đó đã trúng thầu 69 gói, trượt thầu 27 gói, 3 gói chưa có kết quả.

Vào tháng 09/2019 tại gói thầu “Mua sắm trang thiết bị cấp cho các trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo” tỉnh Tuyên Quang có giá 6.170.984.000 VNĐ do Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Thủ Đô mới thầu thì liên danh Hộ kinh doanh Nguyễn Kính Sinh và Công ty cổ phần thiết bị giáo dục và đồ chơi Hà Thành đã trúng thầu với giá 6.108.915.900 VNĐ. Điểm đặc biệt ở đây là dù Công ty cổ phần thiết bị giáo dục và đồ chơi Hà Thành ở gói này hoàn toàn trùng từ tên công ty, người đại diện, số điện thoại và địa chỉ kinh doanh nhưng trên mạng đấu thầu lại có mã số thuế là 0103017619.

Tỉ lệ tiết kiệm tượng trưng

Mục tiêu của việc tổ chức đấu thầu là loại bỏ các tiêu cực, tham nhũng, đồng thời tiết giảm chi phí, tiết kiệm Ngân sách Nhà nước, tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên, với việc Công ty Hà Thành trúng nhiều gói thầu “khủng” ở các Sở Giáo dục các địa phương với tỷ lệ tiết kiệm ngân sách rất nhỏ giọt, “khiêm tốn”, cho thấy có những dấu hiệu bất thường.

Tại một gói thầu khác do Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc mời thầu là gói thầu “Trang bị đồ chơi, thiết bị nhà bếp cho các trường mầm non trên địa bàn tỉnh” (giá gói thầu 39,537 tỷ đồng) vẫn là liên danh Công ty Hà Thành – Công ty Bình Dương trúng thầu rất sát giá, chỉ giảm giá được hơn 100 triệu đồng so với giá mời thầu.

Hay như tại gói thầu “Mua sắm thiết bị dạy học, thiết bị đồ dùng, đồ chơi mầm non năm 2020” do Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình mời thầu có giá trị gói thầu 27,739 tỷ đồng, Công ty Hà Thành (cùng liên danh) chỉ bỏ thầu với giá thấp hơn giá gói thầu là hơn 100 triệu đồng vẫn trúng thầu, một tỷ lệ giảm giá “chiếu lệ”.

Đáng chú ý hơn, tại gói thầu “Mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng bán trú cho các trường Tiểu học và Trung học cơ sở” (có giá 35,1 tỷ đồng) do Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu mời thầu, Công ty Hà Thành trúng thầu với giá 35,070 tỷ đồng, chỉ thấp hơn so với giá gói thầu vẻn vẹn có 30 triệu đồng.

Chưa dừng lại, tại gói thầu “Mua sắm tập trung trang thiết bị dạy học năm 2018 cho các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lai Châu”, có giá 22,814 tỷ đồng, Công ty Hà Thành trúng thầu với giá 22,978 tỷ đồng, qua đấu thầu chỉ tiết kiệm được 36 triệu đồng.

Trường hợp khác, tại gói thầu “Mua sắm thiết bị” do Phòng GD&ĐT TP  Phúc Yên mời thầu có giá trị 1,038 tỷ đồng, Công ty Hà Thành trúng với giá 1,025 tỷ, tiết kiệm được 13 triệu đồng.

Đặc biệt, tại gói thầu “Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng cho các trường học năm 2019” (5,727 tỷ đồng), do Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang mời thầu, Công ty Hà Thành (cùng liên danh) trúng thầu với giá bằng đúng giá gói thầu, tức là qua đấu thầu không giảm được đồng nào cho Ngân sách Nhà nước.

Việc các gói thầu có giá trị lớn do Công ty Hà Thành trúng thầu nhưng tỷ lệ tiết kiệm “nhỏ giọt” khiến dư luận thắc mắc về trách nhiệm trong việc tiết kiệm vốn đầu tư công và trách nhiệm của các bên mời thầu. Liệu có điều gì “uẩn khúc” đằng sau khả năng “bỏ thầu sát giá” của Công ty Hà Thành, rất cần cơ quan có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, làm rõ.  

Kinh nghiệm nhận định “quân xanh, quân đỏ” khi tham gia đấu thầu

Hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” đang là tác nhân làm hư hại, méo mó công tác đấu thầu, gây ra nhiều cuộc thầu “nội bộ” thiếu tính cạnh tranh. Những hành vi này diễn ra vô cùng tinh vi, biểu hiện là hai hay nhiều nhà thầu luôn đi kèm với nhau, bám sát nhau trong nhiều gói thầu, lúc thắng, lúc thua nhưng luôn có chủ đích và luôn nằm trong kế hoạch.

“Quân xanh, quân đỏ” là gì?

Quân xanh là quân giả, làm nhiệm vụ lót đường. Nhà thầu quân xanh là nhà thầu “tham gia để trượt”. Quân đỏ là là nhà thầu được sắp xếp để trúng thầu. Ví dụ: các nhà thầu quân xanh bỏ giá cao cho trượt thầu, để nhà thầu quân đỏ trúng thầu. 

Vấn nạn “quân đỏ – quân xanh” còn dai dẳng

Tình trạng nhà thầu bị loại bởi Hồ sơ dự thầu (HSDT) không đủ tư cách hợp lệ cũng chẳng còn là xa lạ gì, số lượng nhà thầu dự thầu “cho vui” hay “dự cho đủ” điều kiện mở thầu cũng ngày càng nhiều. Lý do mà nhiều nhà thầu bị loại thường nằm ở những điều kiện sơ đẳng, tối thiểu nhất như HSDT không hợp lệ hoặc không có bảo lãnh dự thầu, hồ sơ không niêm phong, đơn dự thầu cũng không hợp lệ…

Nhưng, nhà thầu không phải là người nông dân, lại càng không phải là anh học trò. Việc bị loại bởi lý do HSDT không đáp ứng về tư cách hợp lệ thì liệu có phải nhà thầu hoàn toàn ngây ngô đến mức “vô can” chăng? Bởi không một nhà thầu đàng hoàng nào đi dự thầu lại để bị loại vì những lý do “lông gà vỏ tỏi” này cả.

Vậy thì chỉ có chuyện nhà thầu này tham dự với mục đích làm quân xanh cho nhà thầu khác, đôi khi còn có sự tiếp tay của bên mời thầu để “dựng nên một vở kịch” trong đấu thầu. Như vậy, đối với những gói thầu này, tính minh bạch và hiệu quả cũng như sự cạnh tranh lành mạnh là không tồn tại và hậu quả của nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu sạch. Và chắc chắn giá trúng thầu sẽ cực kỳ cao và gần sát với giá gói thầu được phê duyệt.

Làm sao để hạn chế vấn nạn “quân xanh” trong đấu thầu?

Tính đến hết năm 2017, những thông tin về các nhà thầu vi phạm đã bị “bêu tên” trên trang Mua Sắm Công và được công khai rộng rãi. Tuy vậy kể từ 01/01/2018 đến nay, danh sách này vẫn chưa được cập nhật. Chính vì thế, “quân xanh” trong đấu thầu vẫn còn “đất sống”, thậm chí “sống” tốt bởi vẫn còn tình trạng nhà thầu cấu kết với nhau hoặc nhiều chủ đầu tư móc nối với nhà thầu hay nhắm mắt làm ngơ khiến “mảnh đất” thiếu cạnh tranh, thiếu minh bạch trong đấu thầu ngày càng màu mỡ.

Tuy nhiên, để giới truyền thông hay cơ quan chức năng biết đâu là nhà thầu quân xanh để có những lời khuyên tốt cho nhà thầu sạch là việc thực sự khó khăn, bởi phải có những biện pháp hiệu quả mới có khả năng “chỉ mặt bêu tên”. Nếu như nhà thầu vẫn cố tình lách luật bằng cách “sơ ý” sai sót “một vài chi tiết” dẫn đến việc không đủ tư cách hợp lệ thì tình trạng quân xanh quân đỏ vẫn còn tồn tại và khó có thể kiểm soát. 

Theo các chuyên gia, một số gợi ý sau có thể giúp đơn vị dự thầu cũng như nhà thầu đọc vị được có hiện tượng quân xanh, quan đỏ hay không: 

  • Phân tích quan hệ giữa nhà thầu với các bên mời thầu bằng cách: Xem nhà thầu tham gia những gói thầu nào? Xem nhà thầu hay quan hệ với các bên nào?
  • Phân tích quan hệ giữa bên mời thầu với các nhà thầu.
  • “Soi” quan hệ giữa các nhà thầu với nhau.
Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *