Bản tin Hòa Nhập ngày 23/8/2021: Đề nghị công nhận liệt sỹ cho nữ hộ sinh ở Bình Dương

TPHCM bất ngờ xuất hiện mưa đá vào chiều tối ngày 22/8

Khoảng 18h30 tối 22/8, nhiều nơi trên địa bàn TPHCM xuất hiện mưa to kèm sấm chớp. Đặc biệt, tại một số khu vực như phường Tăng Nhơn Phú A, Phước Long A, Phước Long B (thuộc TP. Thủ Đức) xuất hiện mưa đá với thời gian kéo dài khoảng 10 phút. Những viên đá có nhiều hình dạng với kích cỡ lớn, nhỏ rơi xuống gây tiếng động lớn trong khu dân cư.

Điều may mắn là trận mưa ập đến trong lúc hầu hết người dân đều thực hiện quy định “ai ở đâu ở yên đấy” sau thời điểm 18h trên địa bàn TPHCM nên không ghi nhận thiệt hại đáng kể.

Ảnh mưa đá người dân ở TP.Thủ Đức chụp được.

Theo Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, mưa đá xuất hiện do nhiễu động không khí đẩy hơi ẩm lên cao gặp tầng nhiệt độ thấp gây ra. Hiện tại có vùng áp cao cận đẩy ẩm từ biển vào gây mưa cho Nam Bộ, đồng thời khiến không khí trong đất liền bị nhiễu động mạnh. Mưa đá thường xuất hiện vào tháng 5 – 6 hoặc cuối mùa mưa, do đó mưa đá vào thời điểm này là bất thường.

Vợ trèo ra ngoài ban công vì giận chồng lúc đang uống bia

Ngày 21/8, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một phụ nữ ở phía ngoài lan can tầng 4 ở một chung cư, hai cánh tay được người đàn ông phía bên trong giữ. Người đăng tải cho biết hình ảnh được ghi lại ở tòa nhà S1.05, Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Trao đổi với Zing, ông Đỗ Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) xác nhận sự việc diễn ra vào trưa cùng ngày, hai người trong bức ảnh là vợ chồng. Theo ông Kiên, người chồng khai hai vợ chồng có cãi cọ trong lúc đang uống bia, người vợ không hài lòng nên đã trèo ra ban công. Người vợ sau đó được lực lượng an ninh khu vực đưa vào nhà an toàn.

Người phụ nữ trèo ra ban công chung cư (Ảnh vietnamnet.vn)

Người dân TP Vinh “ai ở đâu ở yên ở đó” từ 0h ngày 23/8

Chiều 22/8, Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Nghệ An họp để nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt tại địa bàn TP Vinh.

Tính đến 8h ngày 22/8, tỉnh Nghệ An đã phát hiện 876 ca nhiễm tại 21 địa phương. Tính riêng từ ngày 14/8 đến nay, đã có 408 ca nhiễm, trong đó có 189 ca nhiễm trong cộng đồng, riêng TP Vinh có 71 ca nhiễm trong cộng đồng.

Nghệ An đang thắt chặt giãn cách để phòng dịch Covid-19 (Ảnh: Tiến Hùng)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại TP Vinh, sau khi nghe báo cáo, ý kiến của các cấp có thẩm quyền. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kết luận: Trong thời điểm chống dịch này thì chúng ta phải ngồi với nhau để bàn, để tổ chức làm tốt, làm hiệu quả hơn vì trách nhiệm chung, vì sự an toàn của cộng đồng, vì sự an toàn của người dân, rút kinh nghiệm từ các địa phương, từ các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của TP Vinh đối với tỉnh, căn cứ diễn biến của dịch và ý kiến các thành viên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thống nhất nâng cao biện pháp cách ly xã hội đối với địa bàn TP Vinh trên một mức so với Chỉ thị 16. Tinh thần là yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, kiên quyết yêu cầu: “ai ở đâu ở yên đó”. Thời gian thực hiện trước mắt là 7 ngày, tính từ 0h ngày 23/8.

“Biện pháp này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ưu tiên số 1 là xét nghiệm tầm soát để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. TP Vinh thực hiện theo sự hướng dẫn của ngành Y tế, đảm bảo an toàn, chặt chẽ, nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Trong đó, ưu tiên những vùng có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao đối với toàn bộ 100% người dân trong vùng; đối với những khu vực có nguy cơ và chưa có nguy cơ thì xét nghiệm mẫu gộp. Miễn phí đối với người dân và TP Vinh sử dụng kinh phí ở mức tối đa, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ khi thành phố gặp khó khăn”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.

Đề nghị công nhận liệt sĩ cho nữ hộ sinh tử vong khi chống dịch

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các sở, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét xác nhận liệt sĩ với nhân viên y tế hy sinh khi tham gia công tác chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế nhận được thông tin Dương Nguyễn Thuỳ Trinh, nhân viên Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã hy sinh trong khi tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương. Để ghi nhận sự hy sinh cao cả của Dương Nguyễn Thuỳ Trinh cũng như của các cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Bình Dương và toàn thể cán bộ nhân viên y tế trên cả nước đang ngày đêm quên mình tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, căn cứ vào các quy định hiện có, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét xác nhận liệt sĩ đối với Dương Nguyễn Thuỳ Trinh.

Thư chia buồn của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương gửi đến gia đình nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh.

Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết theo khoản 3 điều 59 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điểm k khoản 1 điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công thì họ được xem xét công nhận là liệt sĩ. Cụ thể, “Trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết… thì được xem xét để công nhận liệt sĩ… theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng”. Điểm k khoản 1 điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cũng quy định điều kiện để được công nhận liệt sĩ là “đặc biệt dũng cảm cứu người…” nhưng phải là “tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, lan tỏa rộng rãi trong xã hội”.

Theo bà Trần Thị Trang, quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định 31/2013/NĐ-CP: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thủ trưởng các Bộ và tương đương kiểm tra hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sĩ chuyển Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.

Do đó, bà Trang yêu cầu, cán bộ công tác tại phòng Tổ chức cán bộ của các cơ sở y tế có thể lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ ngay cho cán bộ của cơ sở mình nếu không may vì chống dịch mà hy sinh.

Người dân TP HCM được ‘đi chợ hộ’ 1 lần/tuần

Theo đó, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện sẽ thực hiện việc phân phối hàng hoá và lương thực thực phẩm cho người dân. Trong đó, việc cung ứng lương thực cho dân được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ”. Những nhóm công tác đi chợ hộ cho dân là Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương, các lực lượng công an, quân đội. Tần suất thực hiện đi chợ hộ là 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).

Đối với người dân khó khăn và ảnh hưởng của Covid-19, Ủy ban nhân dân các quận huyện và thành phố Thủ Đức phối hợp với trung tâm tiếp nhận hỗ trợ hàng hóa thiết yếu, tổ chức cấp phát các túi An sinh miễn phí cho người dân đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót trường hợp khó khăn nào.

Nếu thiếu hụt nguồn cung, Ủy ban nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức phải báo về Sở Công thương hỗ trợ bổ sung và tổ chức điều phối các chuyến xe hàng lưu động, siêu thị mini di động để hỗ trợ thêm kênh phân phối hàng hóa đến người dân.

Người dân TP HCM được ‘đi chợ hộ’ 1 lần/tuần (Ảnh minh họa).

Thành phố cũng đề nghị các đơn vị phân phối ưu tiên thực hiện các giải pháp bán hàng trực tuyến, đăng ký trước và bán theo combo. Song song đó, các hệ thống phân phối lên phương án bổ sung nguồn hàng đầy đủ kịp thời không để xảy ra tình trạng đứt gãy gián đoạn nguồn cung hàng hóa. Mặt khác, các hệ thống cần chủ động phối hợp tổ hậu cần từng xã phường thị trấn để nắm bắt thông tin số lượng chủng loại giỏ hàng lượng hàng của từng khu vực để điều phối chuẩn bị giao hàng kịp thời để cung ứng hàng hóa cho người dân.

Ngoài ra, trong thời gian tăng cường các biện pháp giãn cách này, các hệ thống siêu thị, điểm sản xuất đủ điều kiện hoạt động như lò bánh mì, bún, hủ tiếu, đậu… vẫn được duy trì. Chỉ có hình thức phân phối hàng thay đổi là thông qua các tổ đặc biệt rồi giao đến người dân có nhu cầu.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *